Tính chiêu đối phó
Liên quan đến quyền ưu tiên của các xe vận chuyển hàng bưu phẩm, bưu kiện của các doanh nghiệp bưu chính, Khoản 5 Điều 33 của Luật Bưu chính nêu rõ: “Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích được quyền sử dụng phương tiện vận tải chuyên ngành đi, đến, đỗ trong đô thị để cung ứng dịch vụ bưu chính công ích theo quy định ưu tiên của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương”.
Những mục có thể bạn quan tâm: Chuyển phát nhanh đường bộ, DỊch vụ chuyển phát nhanh hỏa tốc trong ngày và chuyển phát nhanh Ecotrans. chuyển phát nhanh đường bộ
Theo một lãnh đạo Vụ Bưu chính (Bộ TT&TT), Luật Bưu chính chỉ giành quyền ưu tiên cho doanh nghiệp làm dịch vụ bưu chính công ích (hiện nay là VietnamPost). Tuy nhiên, Luật chỉ quy định về chủ trương còn các quy định cụ thể còn tùy thuộc vào từng địa phương.
Tại Hà Nội, ngày 2/2/2010, UBND TP.Hà Nội đã ban hành Quyết định số 09/2010/QĐ-UBND quy định về hoạt động của phương tiện vận chuyển trong địa bàn thành phố. Theo đó, có quy định “xe vận chuyển bưu phẩm, bưu kiện, báo chí bằng đường bộ được phép hoạt động 24/24h” trong khu vực hạn chế phương tiện giao thông đường bộ. Điều này có thể hiểu là UBND TP.Hà Nội cho phép xe bưu chính không bị cấm, được phép lưu hành trên mọi đường phố ở bất cứ thời điểm nào.
Song một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính phản ánh với BĐVN về việc xe bưu chính đã bị công an xử phạt khi đang dừng, đỗ tại trước cửa bưu cục nằm tại những tuyến phố trung tâm để giao nhận bưu gửi.
Bà Nguyễn Thị Bích Nga – Phó giám đốc Trung tâm Khai thác Vận chuyển (Bưu điện TP Hà Nội) cho biết, trong năm 2012 có 4 lần xe chở hàng bưu chính của Trung tâm này bị công an giữ giấy tờ vì đỗ xe trước cửa các bưu cục khi đang giao nhận hàng bưu chính. Khi Trung tâm cử cán bộ đến làm việc thì có 3 lần được cơ quan công an thông cảm trả lại giấy tờ cho lái xe và không xử phạt, còn một lần thì lái xe bị thu giữ bằng 1 tháng và bị phạt về lỗi dừng đỗ trước cửa Bưu cục Thái Thịnh (quận Đống Đa). Mức phạt lên đến 1,2 triệu đồng, lái xe phải chịu nộp khoản phạt này vì Trung tâm không có cơ chế chi tiền nộp phạt vi phạm giao thông.
“Điều này gây khó khăn rất lớn, hầu hết các lái xe đều có tâm lý lo ngại khi được phân công chạy những tuyến trong nội thành. Có khá nhiều bưu cục của Bưu điện TP.Hà Nội nằm ở các tuyến phố trung tâm nội thành có cắm biển cấm, dừng đỗ xe. Trong khi đó, xe bưu chính có quy định nghiêm ngặt về thời gian giao nhận bưu gửi, nhưng khi xe đến giao nhận hàng mà chẳng may gặp công an chắc chắc lái xe sẽ bị phạt về lỗi dừng đỗ. Xe cứ chạy trên đường thì không sao nhưng dừng lại để nhận hay trả hàng là bị phạt”, bà Nga nói.
Ông Nguyễn Đức Thế – Tổng giám đốc Netco cho biết, Netco đã xin cấp giấy phép ưu tiên được lưu hành vào các đường cấm, khu vực ưu tiên cho một số xe chuyên chạy tuyến nội thành. Xe cứ chạy thì thoải mái, nhưng rất nhiều lần vừa dừng, đỗ để giao nhận hàng hóa là bị cảnh sát giao thông phạt ngay, với mức phạt không hề nhỏ. Chuyện này xảy ra khá thường xuyên ở các tuyến phố trung tâm TP Hà Nội mà Netco đành phải chịu, chả biết kêu ai.
Điểm nóng thường xuyên bị phạt là các bưu cục Thái Thịnh, Tràng Tiền, các tuyến phố nằm trong khu vực trung tâm như quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa…
Bà Bích Nga cho biết, nhiều lái xe của Trung tâm đã phải tính chiêu “đối phó” với công an bằng cách khi xe bưu chính dừng tại các bưu cục, lái xe không tắt máy vẫn ngồi trên xe, còn người của bưu cục tăng cường cùng với hộ tống viên bốc xếp thật nhanh, rồi xe lại đi ngay lập tức. Tuy nhiên, những lần rủi ro bị công an “tóm” lúc đang bốc hàng vẫn xảy ra.
Đội ngũ công nhân lái xe bưu chính lương bình quân khoảng 4 triệu đồng/tháng nên mức phạt 1,2 triệu đồng tác động rất lớn đến “nồi cơm” của gia đình họ. Bên cạnh đó, trong thời gian bị thu giữ bằng, các lái xe sẽ bị tạm thời bị điều động đi làm việc khác.
Chia sẻ về vấn đề này, đại diện Vụ Bưu chính cho rằng, các doanh nghiệp bưu chính cần chủ động làm việc với chính quyền địa phương để trao đổi về phạm vi hoạt động của các bưu cục và cung cấp đầy đủ thông tin về quyền đã được ưu tiên của mình để các cơ quan quản lý tạo điều kiện cho xe bưu chính lưu hành, dừng đỗ tại những điểm khai thác, các bưu cục.
Chỉ xe dưới 1,25 tấn được lưu hành trong giờ làm việc
Mặc dù xe bưu chính được ưu tiên nhưng UBND TP. Hà Nội quy định chỉ những loại xe vận tải dưới 1,25 tấn mới được phép đi trong thành phố trong giờ làm việc (8h30 – 16h30 hàng ngày). Phần lớn khách hàng bưu chính là cơ quan, doanh nghiệp làm việc trong giờ hành chính, vì vậy với những lô hàng lớn, hàng nặng doanh nghiệp bưu chính cũng cực kỳ vất vả.
Bà Bích Nga cho biết, đầu tháng 1, một Trung tâm của Bưu điện TP.Hà Nội có một khách hàng cần gửi lô hàng bưu chính ủy thác khoảng 150 tấn từ Hào Nam (quận Đống Đa). Trung tâm Khai thác Vận chuyển đã phải huy động 10 xe tải trọng 1,2 tấn chạy ra, chạy vào liên tục để chở hàng từ Hào Nam ra khai thác ở số 5 Phạm Hùng (Từ Liêm). Lái xe bưu chính rất vất vả và chịu nhiều áp lực, vừa áp lực về thời gian, vừa lo bị công an phạt khi vận chuyển những lô hàng lớn từ nội thành ra ngoại ô.
Nội dung đã đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 26 ra ngày 1/3/2013 .